Beowulf

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Beowulf
Beowulf Cotton MS Vitellius A XV f. 132r.jpg
Trang đầu tiên Beowulf trong Cotton Vitellius A. xv
Thông tin sách
Ngôn ngữWestern Saxon dialect của Tiếng Anh cổ
Chủ đềNhững cuộc tranh đấu của Beowulf, người hùng xứ Geat, thời thanh xuân và khi xế chiều.
Thể loạiAnh hùng ca

Beowulf (/beɪ.ɵwʊlf/, trong tiếng Anh cổ, [beːo̯wʊlf] hay [beːəwʊlf]) là nhan đề của một trường ca tiếng Anh trung đại bao gồm 3182 dòng thơ lặp âm dài, bối cảnh ở Scandinavia. Đây là anh hùng ca tồn tại lâu đời nhất của tiếng Anh cổ và do đó thường được trích dẫn là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của văn học Anglo-Saxon, và cũng có thể coi Beowulf là tác phẩm văn học Anh bản địa sớm nhất.[1]

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Bài thơ đầy đủ còn lại trong bản thảo tên Nowell Codex đặt tại Thư viện Anh quốc. Tác phẩm này của một nhà thơ vô danh Anglo-Saxon[a] trong khoảng thời gian giữa thế kỷ 8[3][4] và những năm đầu thế kỷ 11.[5] Năm 1731, bản thảo đã bị hư hỏng nặng vì một đám cháy quét qua Ashburnham House tại London, nơi lưu trữ bộ sưu tập các bản thảo thời Trung cổ do Sir Robert Bruce Cotton tổng hợp. Trong bảy thế kỷ đầu tiên, sự tồn tại của Beowulf đã không gây ấn tượng với các nhà văn và học giả: bên cạnh một đề cập ngắn gọn trong một danh sách Humfrey Wanley lập ra năm 1705, tác phẩm đã không được nghiên cứu cho đến cuối thế kỷ 18, và không được công bố toàn bộ cho đến khi Johan Bulow đã tài trợ cho bản dịch ra tiếng Latin năm 1815 của học giả Iceland-Đan Mạch Grímur Jonsson Thorkelin.[6]Sau một cuộc tranh luận căng thẳng với Thorkelin, Bulow đồng ý tài trợ cho một bản dịch mới của NFS Grundtvig - lần này dịch ra tiếng Đan Mạch. Kết quả, Bjovulfs Drape (1820), là bản dịch ra ngôn ngữ hiện đại đầu tiên của Beowulf.

Trong bài thơ, Beowulf, một anh hùng ở Geats (Scandinavia), đến trợ giúp Hroðgar, vua của Đan Mạch khi cung điện của vua (trong Heorot) bị một con quái vật tên là Grendel tấn công. Sau khi Beowulf giết chết Grendel, mẹ của Grendel tấn công cung điện và sau đó cũng bị đánh bại. Chiến thắng, Beowulf trở về quê nhà Geatland ở Thụy Điển và sau này trở thành vua của xứ này. Sau một thời gian năm mươi năm, Beowulf đánh bại một con rồng, nhưng người anh hùng cũng bị tử thương trong cuộc chiến. Sau khi ông chết, con cháu đã mai táng ông trong một gò đất ở Geatland.

Nội dung[sửa | sửa mã nguồn]

Vào thời vua Hrothgar cai trị xứ Denmark (Đan Mạch), quốc gia này thanh bình và phồn thịnh. Thi sĩ và nghệ sĩ thường tụ tập trong cung vua ở Heorot để trình diễn thơ nhạc. Điều này làm Grendel, quái vật sống trong hồ gần đấy, ganh tị.

Một đêm Grendel đột nhập vào cung vua ở Heorot giết chết ba chục người Denmark, mang xác người về động để ăn thịt. Chưa vừa ý với sự khủng bố này Grendel trở lại Heorot hoành hành dân chúng liên tiếp mười hai năm làm dân chúng hãi sợ tột cùng. Các hiệp sĩ của vua Hrothgar bỏ trốn. Hrothgar dâng lễ vật cho quái vật để cầu hòa nhưng chẳng có kết quả tốt đẹp. Lời than thở của dân lan đến xứ Geat, nơi hoàng tử Beowulf đang sống. Nổi tiếng có sức khỏe bằng ba mươi hiệp sĩ hùng mạnh nhất trong nước, Beowulf thường xuyên chiến thắng trong các cuộc giao đấu tranh tài. Beowulf huy động mười bốn hiệp sĩ giỏi nhất theo ông sang Denmark để giết Grendel. Hrothgar ngày xưa từng cứu giúp vua cha của Beowulf nên hai người kết nối lại tình láng giềng. Sau khi Hrothgar đãi tiệc Beowulf và các hiệp sĩ, vua giao cho Beowulf nhiệm vụ bảo vệ hoàng cung. Đêm ấy khi Grendel đến bắt người ăn thịt, gặp phải Beowulf, và bị Beowulf nắm cánh tay giữ lại. Hắn vùng chạy nên bị chặt đứt nguyên cánh tay. Grendel chạy về hang động và chết ở đấy. Mẹ của Grendel trả thù bằng cách lén vào cung bắt cóc một hiệp sĩ thân tín nhất của vua Hrothgar mang về động rồi giết chết. Beowulf tìm đến động cuối cùng dùng gươm giết chết mẹ của Grendel. Beowulf trở về Geat và trở nên vị vua của xứ này nổi tiếng công bằng và nhân hậu. Khi Beowulf lớn tuổi, xứ của ông bị một con rồng quấy nhiễu vì có kẻ lẻn vào hang của rồng trộm một cái ly bằng vàng.

Con rồng rời hang động vào ban đêm và phun lửa đốt cháy tất cả những gì trên đường đi của nó kể cả ngai vàng và cung điện của Beowulf. Để cứu dân, tuy tuổi đã cao sức đã yếu Beowulf cho đúc một cái khiên sắt và dẫn mười một hiệp sĩ đi tìm giết con rồng. Trong khi chiến đấu tất cả các hiệp sĩ bỏ chạy chỉ trừ Wiglaf là người đủ can đảm ở lại giúp Beowulf. Cây gươm của Beowulf không chém nổi da rồng và nó ngoạm cổ Beowulf. Trong lúc con rồng bận bịu với Beowulf, Wiglaf dùng gươm đâm vào bụng rồng và giết chết nó nhưng Beowulf cũng tạ thế.

Ảnh hưởng[sửa | sửa mã nguồn]

Các nhà khảo cổ học Đan Mạch tại Lejre - thủ phủ đầu tiên của nước này - đang tiến hành khai quật sảnh đại yến từ thế kỷ thứ 6, nơi nhiều khả năng đóng vai trò trung tâm về huyền thoại người hùng Bắc Âu. Nằm dưới một cánh đồng ở xứ Lejre, cách Copenhagen 37 km về hướng tây, nơi đây từng diễn ra những trò lạc thú trong cuộc sống của thượng lưu vào Thời kỳ Đen tối (kéo dài từ thế kỷ thứ VI đến XIII tại Âu châu). Mới đây, các nhà khảo cổ, dẫn đầu là Tom Christensen, Giám đốc dự án Lejre, đang tìm kiếm, khai quật và xác định niên đại của địa điểm nhiều khả năng là lâu đài hoàng gia đầu tiên ở Lejre (trong sử thi Beowulf được mô tả là "đại sảnh vĩ đại dưới thiên đường"), đồng thời tái hiện các món ăn trong những cuộc yến tiệc thời đó.

Các chuyên gia đã tìm thấy hàng trăm bộ xương động vật gần chỗ từng diễn ra những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, cho thấy các thực khách thời xưa không từ chối bất cứ món ngon vật lạ nào, bao gồm heo, bò, cừu, dê, hươu nai, ngỗng, vịt, gà, cá. Những thứ khác cũng được phát hiện gần đó bao gồm các mảnh vỡ bình rượu, 40 mẩu nữ trang vàng, bạc, đồng, gốm sứ nhập từ AnhRhineland, cũng như cánh của đại bàng biển. Khoảng 20 vật phẩm bằng vàng nằm cách nơi diễn ra đại yến khoảng vài trăm mét, theo báo cáo trên tạp chí BBC History. "Lần đầu tiên, hoạt động khảo cổ học đã cho chúng ta thấy được một cái nhìn thoáng qua về cuộc sống tại một địa điểm chủ chốt thuộc hoàng gia Đan Mạch thời xưa và có liên quan đến huyền thoại", theo Giám đốc dự án Christensen thuộc Bảo tàng Roskilde tại Đan Mạch.

Trong lúc khai quật sảnh đại yến trên, các nhà khảo cổ học cũng tìm được thêm 6 đại sảnh khác của hoàng gia Đan Mạch tại Lejre. Họ phát hiện mỗi triều đại đời đầu của nước này chỉ sử dụng mỗi sảnh trong vài thế hệ, trước khi phá đi và xây sảnh mới, kế bên nơi cũ. Kết quả giám định cho thấy những nơi này được sử dụng trong giai đoạn từ năm 500 đến 1000, hầu như đều cùng trên một khu vực, trừ sảnh có liên quan đến huyền thoại Beowulf. Việc thay đổi vị trí có thể phần nào liên quan đến những sự kiện đã được mô tả trong huyền thoại, và theo truyện thì đó là nơi Grendel hoành hành trước khi Beowulf đến. Vẫn chưa rõ liệu Grendel (có nghĩa là "kẻ hủy diệt") chỉ tồn tại trong truyền thuyết hay xuất hiện dưới một dạng nào đó của bệnh tật và cái chết, hoặc có thể đơn giản là một kẻ thù có bề ngoài hung tợn. Tuy nhiên, sau đó, câu chuyện về người hùng trên đã được truyền khẩu đến xứ sở sương mù, và trở thành huyền thoại được yêu thích trong xã hội Anh vào thế kỷ VII hoặc VIIII.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Beowulf – What You Need to Know about the Epic Poem”. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2014.
  2. ^ Robinson 2001, ?: 'The name of the poet who assembled from tradition the materials of his story and put them in their final form is not known to us.'
  3. ^ Tolkien 1958, tr. 127.
  4. ^ Hieatt, A. Kent (1983). Beowulf and Other Old English Poems. New York: Bantam Books. tr. xi–xiii.
  5. ^ Chase, Colin. (1997). The dating of Beowulf". pp. 9–22. University of Toronto Press
  6. ^ Mitchell & Robinson 1998, tr. 6.
  1. ^ In scholarship, the poet is commonly referred to as the "Beowulf poet".[2]