Bản quyền là gì?

Ở nhiều quốc gia, khi một người tạo tác phẩm gốc, cố định trong một phương tiện vật lý, họ nghiễm nhiên sở hữu bản quyền đối với tác phẩm đó. Là chủ sở hữu bản quyền, họ có độc quyền sử dụng tác phẩm đó. Trong hầu hết các trường hợp, chỉ chủ sở hữu bản quyền mới có thể cho phép người khác sử dụng tác phẩm của họ.

Loại tác phẩm nào được bảo vệ bản quyền?
  • Tác phẩm nghe nhìn, chẳng hạn như chương trình truyền hình, phim và video trực tuyến
  • Bản ghi âm và sáng tác nhạc
  • Tác phẩm viết, chẳng hạn như các bài giảng, bài báo, sách và bản soạn nhạc
  • Tác phẩm hình ảnh, chẳng hạn như bức tranh, áp phích và quảng cáo
  • Trò chơi điện tử và phần mềm máy tính
  • Tác phẩm kịch, chẳng hạn như vở kịch và nhạc kịch

Các ý tưởng, dữ kiện và quy trình không được bảo vệ bản quyền. Theo luật bản quyền, để hội đủ điều kiện được bảo vệ bản quyền, một tác phẩm phải có tính sáng tạo và phải được cố định trong một phương tiện hữu hình. Tên và tiêu đề không được bảo vệ bản quyền.

Tôi có thể sử dụng tác phẩm được bảo vệ bản quyền mà không vi phạm bản quyền không?

Bạn có thể sử dụng tác phẩm được bảo vệ bản quyền mà không vi phạm bản quyền của chủ sở hữu thông qua hình thức sử dụng hợp lý hoặc xin phép sử dụng nội dung của người khác trong video của mình.

Nếu bạn đang nghĩ đến việc sử dụng nhạc của người khác trong video của mình, hãy tìm hiểu thêm về các tùy chọn sử dụng nhạc sau đây:

Các tùy chọn sử dụng nhạc trong video của bạn

 

Một số người sáng tạo nội dung cho phép người khác sử dụng lại tác phẩm của họ kèm theo một số yêu cầu nhất định gọi là giấy phép Creative Commons.

YouTube có thể quyết định quyền sở hữu bản quyền không?

Không. YouTube không thể dàn xếp các kháng nghị về quyền sở hữu quyền. Khi nhận được thông báo yêu cầu gỡ bỏ đầy đủ và hợp lệ, chúng tôi sẽ xóa nội dung theo yêu cầu của pháp luật. Khi nhận được thông báo phản đối hợp lệ, chúng tôi sẽ chuyển tiếp thông báo đó đến người đã yêu cầu xóa video. Sau đó, tùy thuộc vào các bên liên quan giải quyết vấn đề này trước tòa.

Bản quyền có giống với nhãn hiệu không?

Bản quyền chỉ là một hình thức sở hữu trí tuệ. Bản quyền không giống như nhãn hiệu, giúp bảo vệ tên nhãn hiệu, khẩu hiệu, biểu trưng và các nội dung nhận dạng nguồn khác không bị người khác sử dụng cho một số mục đích nhất định. Bản quyền cũng khác so với luật bằng sáng chế có chức năng bảo vệ phát minh.

YouTube cung cấp quy trình xóa riêng biệt cho những video vi phạm luật nhãn hiệu hoặc các luật khác.

Sự khác biệt giữa bản quyền và quyền riêng tư là gì?

Việc bạn xuất hiện trong video, hình ảnh hoặc bản ghi âm không có nghĩa là bạn sở hữu bản quyền đối với tác phẩm đó. Ví dụ: nếu bạn của bạn quay cuộc trò chuyện giữa hai người, người đó sẽ sở hữu bản quyền đối với bản ghi video đó. Những lời mà hai người nói với nhau không được bảo vệ bản quyền riêng biệt khỏi video đó trừ khi những lời đó đã được lên kịch bản từ trước.

Nếu bạn của bạn hoặc một người khác tải một video, hình ảnh hoặc đoạn ghi âm có bạn lên mà chưa có sự cho phép của bạn và bạn cho rằng điều đó vi phạm quyền riêng tư hoặc sự an toàn của mình, thì bạn nên gửi khiếu nại về quyền riêng tư.

Những quan niệm sai lầm phổ biến về bản quyền

Sau đây là một số quan niệm sai lầm thường gặp về bản quyền và cách hoạt động của bản quyền trên YouTube. Xin lưu ý rằng những hành động sau đây sẽ không ngăn nội dung của bạn khỏi bị khiếu nại về bản quyền.

Quan niệm sai lầm số 1: Ghi công chủ sở hữu bản quyền nghĩa là bạn có thể sử dụng nội dung của họ

Ghi công chủ sở hữu bản quyền không mặc nhiên đem lại cho bạn quyền sử dụng tác phẩm có bản quyền của họ. Hãy chắc chắn rằng bạn có quyền sử dụng tất cả các yếu tố chưa có giấy phép trong video của mình trước khi tải video đó lên YouTube. Nếu dựa vào nguyên tắc sử dụng hợp lý, ngay cả khi bạn thêm nội dung gốc vào tác phẩm có bản quyền của người khác, thì video của bạn cũng có thể không đủ điều kiện là trường hợp sử dụng hợp lý. Vì vậy, hãy nhớ xem xét kỹ tất cả 4 yếu tố và xin tư vấn pháp lý nếu cần thiết.

Quan niệm sai lầm số 2: Tuyên bố rằng video "phi lợi nhuận" có nghĩa là bạn có thể sử dụng bất kỳ nội dung nào

Dù bạn không tìm cách kiếm tiền từ tác phẩm được bảo vệ bản quyền thì khiếu nại về bản quyền vẫn có thể xảy ra. Nếu tuyên bố rằng video mà bạn tải lên "chỉ nhằm mục đích giải trí" hoặc "phi lợi nhuận" chẳng hạn, thì chỉ như vậy thôi là chưa đủ. Khi bàn đến nguyên tắc sử dụng hợp lý, Tòa án sẽ xem xét kỹ mục đích sử dụng để đánh giá xem việc sử dụng đó có hợp lý hay không. Khi phân tích việc sử dụng hợp lý thì mục đích "phi lợi nhuận" được ưu tiên nhưng không có tác dụng tự động biện hộ cho hành động.

Quan niệm sai lầm số 3: Những người sáng tạo khác làm vậy nên bạn cũng có thể làm như vậy

Ngay cả khi vẫn tồn tại các video trên YouTube tương tự như (các) video mà bạn đã tải lên, thì điều đó không đồng nghĩa với việc bạn cũng có quyền đăng nội dung đó. Đôi khi, chủ sở hữu bản quyền cho phép một số nhưng không phải tất cả các tác phẩm của họ xuất hiện trên trang web của chúng tôi. Ngoài ra, có những trường hợp các video rất giống nhau lại thuộc quyền sở hữu của nhiều chủ sở hữu bản quyền, và một chủ sở hữu có thể cấp phép còn chủ sở hữu khác thì không.

Quan niệm sai lầm số 4: Bạn có thể sử dụng nội dung trong một CD hoặc DVD hoặc nội dung trên iTunes mà bạn đã mua

Việc mua nội dung không có nghĩa là bạn sở hữu quyền tải nội dung đó lên YouTube. Ngay cả khi bạn ghi công chủ sở hữu bản quyền thì việc đăng các video có chứa nội dung mà bạn đã mua vẫn có thể vi phạm luật bản quyền.

Quan niệm sai lầm số 5: Nội dung mà bạn tự ghi lại từ TV, rạp chiếu phim hoặc đài phát thanh đều không có vấn đề gì

Việc bạn tự ghi lại nội dung nào đó không phải lúc nào cũng có nghĩa là bạn sở hữu tất cả các quyền để tải nội dung đó lên YouTube. Nếu nội dung bạn đã quay phim bao gồm nội dung có bản quyền của người khác, chẳng hạn như nhạc có bản quyền phát trong nền, thì bạn vẫn cần xin phép chủ sở hữu quyền thích hợp.

Quan niệm sai lầm số 6: Tuyên bố rằng bạn "không cố ý vi phạm bản quyền"

Những cụm từ và tuyên bố từ chối trách nhiệm như “tất cả các quyền đều thuộc về tác giả”, "không cố ý vi phạm" hoặc “tôi không sở hữu” không có nghĩa là bạn được chủ sở hữu bản quyền cho phép đăng nội dung đó, cũng như không mặc nhiên đồng nghĩa với việc bạn đang sử dụng hợp lý nội dung đó.

Quan niệm sai lầm số 7: Nội dung có bản quyền chỉ xuất hiện một vài giây thì không sao

Khi bạn sử dụng nội dung có bản quyền và không được cấp phép trong video của mình, bất kể thời lượng là bao nhiêu, dù chỉ trong một vài giây đi nữa, thì video vẫn có thể bị xác nhận quyền sở hữu qua Content ID hoặc bị chủ sở hữu bản quyền yêu cầu gỡ bỏ. Bạn có thể tranh luận rằng mình sử dụng hợp lý, tuy nhiên, hãy hiểu rằng tòa án là nơi duy nhất có thể đưa ra quyết định xem bạn có sử dụng hợp lý hay không.

Thông tin này có hữu ích không?
Chúng tôi có thể cải thiện trang này bằng cách nào?